Begin typing your search above and press return to search. Press Esc to cancel.

Gần một tỷ đồng mổ chữa Parkinson


Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã điều trị thành công 2 bệnh nhân Parkinson bằng phương pháp đặt điện cực kích thích não sâu, toàn bộ chi phí mổ khoảng 820 triệu đồng.

Ông Thanh 61 tuổi quê ở Bình Định, bị bệnh Parkinson đã hơn 7 năm nay. Trước đây bệnh nhân được điều trị nội khoa, đến nay đáp ứng kém với thuốc và bị biến chứng loạn động do tác dụng phụ của các loại thuốc đã dùng. Các triệu chứng run và cứng đờ ngày càng nặng hơn, ông không thể cầm nắm chắc. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã chỉ định phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, cho biết phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu là một kỹ thuật mới trong điều trị Parkinson giai đoạn muộn, khi bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị nội khoa và có những tác dụng phụ do thuốc gây ra. Theo đó, đầu bệnh nhân sẽ được gắn vào khung định vị cố định hướng dẫn đưa điện cực vào não. Các bác sĩ chụp cộng hưởng từ và CT scan não để xác định đúng vị trí nhân não nào gây ra triệu chứng run, cứng đờ hay loạn động

Sau khi xác định vị trí chính xác, bác sĩ khoan mỗi bên sọ bệnh nhân một lỗ đường kính khoảng một cm để đưa điện cực vào. Phép thử sẽ được thực hiện tại vị trí nhân não bị bệnh với một dòng điện có cường độ rất thấp và theo dõi hiệu quả thực tế của bệnh nhân trong lúc mổ. Khi tất cả thông số đã xác định chuẩn, điện cực được gắn cố định vào vị trí bệnh và điều chỉnh thông số cường độ phù hợp thông qua các kênh. Toàn bộ thiết bị này hoạt động nhờ vào một viên pin đặt ở dưới da vùng ngực. Tuổi thọ pin trung bình khoảng 5 năm tùy thuộc vào cường độ điện sử dụng cao hay thấp.

gan-mot-ty-dong-mo-chua-parkinson

Sau phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, các triệu chứng run cứng tay chân của bệnh nhân đã được cải thiện. Ảnh: Trần Ngoan.

Theo bác sĩ Minh Anh, các triệu chứng run, cứng đờ ở bệnh nhân Parkinson được cải thiện rõ rệt sau khi đặt điện cực kích thích não sâu. Trong đó, thể run giảm 80-90%, thể cứng đờ giảm 70-80%, đặc biệt biến chứng loạn động gần như không còn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nằm viện một thời gian để theo dõi, điều chỉnh cường độ dòng điện cho phù hợp, tập vật lý trị liệu vận động tại chỗ và đi lại6 tháng trước một nữ bệnh nhân cũng được điều trị bằng phương pháp này, hiệu quả khá tốt.

Hơn 3 năm trước Việt Nam chưa triển khai được kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu nên hầu hết bệnh nhân Parkinson giai đoạn muộn muốn điều trị phải ra nước ngoài với chi phí phẫu thuật và đi lại rất tốn kém. Từ năm 2012 đến nay trong nước có 2 nơi ứng dụng  phương pháp này là Bệnh viện Đại học Y Dược và Nguyễn Tri Phương. Chi phí cho toàn bộ quá trình điều trị vào khoảng 820 triệu đồng, trong đó chiếm phần lớn là phí vật tư, thiết bị điện cực, dây dẫn, pin (từ 720 đến 750 triệu đồng), còn lại là phí nằm viện và phẫu thuật

Bác sĩ Minh Anh nhìn nhận một ca phẫu thuật điện cực kích thích não sâu có chi phí cao so với mặt bằng chung, song từ khi một số bệnh viện trong nước triển khai được kỹ thuật này giúp bệnh nhân tiết kiệm hơn khoảng một nửa so với ra nước ngoài. Hơn nữa tuổi thọ pin cho điện cực chỉ kéo dài khoảng vài năm, sau thời gian đó, bệnh nhân sẽ tái khám để thay pin ngay tại địa phương mà không phải đi xa như trước.

Đến nay, phẫu thuật đặt điện cực kích thích não chưa được đưa vào danh mục Bảo hiểm Y tế thanh toán các thiết bị điện cực cấy ghép vào người. Các đơn vị tiên phong triển khai ở Việt Nam đang trong lộ trình thực hiện và hoàn thiện báo cáo để đề xuất chế độ bảo hiểm cho những bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này.

Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét